Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

DOANH NGHIỆP CẦN LÀM GÌ TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP KINH TẾ VÀ TOÀN CẦU HÓA

Toàn cầu hóa đã phát sinh nhiều vấn đề mà chúng ta cần nhận diện và giải quyết. “Chúng ta có dám suy nghĩ và làm như các trí thức doanh nhân thành công trên thế giới từng nghĩ”. Trước khi bàn về chuyện trí thức doanh nhân Việt Nam là ai, cần làm gì để tồn tại và phát triển trong môi trường toàn cầu hóa, chúng ta hãy nhận diện một số vấn đề mới phát sinh do toàn cầu hóa mang lại. Bản chất của “sự thay đổi” đã có thay đổi. 

Trước hết, biên giới kinh tế giữa các quốc gia đã được tháo gỡ sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Vấn đề này đã được đề cập rất nhiều trong thời gian gần đây. Điều này có nghĩa, sự chuyển dịch tài nguyên giữa các quốc gia sẽ trở nên đa dạng hơn bao giờ hết. Kết quả là chất lượng của hầu hết các sản phẩm, dịch vụ sẽ được cải thiện. Giá cả cũng sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi các chuẩn mực quốc tế. Cạnh tranh ngay tại sân nhà sẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều. 

Điều đó cũng có nghĩa là các Công ty Việt Nam không nên, đúng ra là không thể giữ nguyên cách kinh doanh kiểu cũ nếu muốn tồn tại trong môi trường kinh doanh có nhiều biến đổi. Sự thay đổi này chắc chắn sẽ cộng hưởng và tăng tốc theo thời gian. ở bối cảnh như vậy, một trong những việc cơ bản nhất mà các trí thức doanh nhân Việt Nam cần làm ngay là phải thay đổi tư duy, thoát khỏi cách suy nghĩ và cách làm truyền thống. Ví dụ, từ một Công ty chỉ xuất khẩu vào các thị trường quen thuộc, chúng ta phải nâng cấp thành Công ty quốc tế có khả năng phản ứng nhanh với các biến động của thế giới. Đặc biệt là phải có khả năng giao thương một cách hiệu quả với các quốc gia có nền văn hóa và hệ thống chính trị khác biệt với Việt Nam. Thiết nghĩ, trong thế giới quản trị kinh doanh thời đại toàn cầu hóa, bản chất của sự “thay đổi” đã có thay đổi! Thật vậy trước đây, sự thay đổi chỉ được hiểu như công cụ để đối phó, thực hiện một nhu cầu hay chiến lược cụ thể trong khoảng thời gian nhất định. Nay, sự thay đổi lại là năng lực thiết yếu để doanh nghiệp tồn tại. Nói cách khác, các Công ty kinh doanh trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của toàn cầu hóa phải xem việc “thay đổi” như một quá trình tiếp diễn liên tục. Lúc ấy, những ý tưởng mới xuất hiện cũng có thể trở nên lỗi thời ngay sau khi áp dụng. Đây là xu thế mới của thế giới mà doanh nghiệp Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Để có một tư duy mới, đòi hỏi doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa, chiến lược mang tiêu chuẩn quốc tế. Có mấy doanh nghiệp Việt Nam dám mạnh dạn nhìn về tương lai với khởi đầu bằng những câu hỏi đại loại như. “Chúng ta cần làm gì để trở thành một Công ty hàng đầu thế giới?”.


Dám nghĩ và dám làm - Trong sân chơi toàn cầu, các trí thức doanh nhân Việt Nam phải “dám suy nghĩ như các doanh nhân thành công trên thế giới từng nghĩ”. Ai cũng biết làm nhà sản xuất hàng gia công lúc nào cũng ít lãi hơn so với nhà kinh doanh thương hiệu, bán dịch vụ. Vậy tại sao doanh nghiệp Việt Nam không mạnh dạn đi tìm cơ sở gia công tại các quốc gia có giá thành sản xuất rẻ hơn để kinh doanh tại Việt Nam hay thậm chí xuất khẩu? Chắc chắn sẽ có người nói rằng chúng ta không nên san sẻ việc làm và lợi nhuận ra nước ngoài. Nhưng đã vào sân chơi lớn, chúng ta không thể không vận dụng sức mạnh và lợi thế của toàn cầu hóa. Hơn nữa, nếu giá thành sản phẩm cao hơn phía đối thủ, làm sao doanh nghiệp có thể tồn tại được, nói chi đến phát triển. Đây chỉ là ví dụ để diễn đạt tư duy “outsourcing” (thuê làm bên ngoài) mà các đồng nghiệp trên thế giới đã sử dụng quá quen thuộc.


Dám mơ ước lớn - Muốn ra biển lớn, chúng ta phải có suy nghĩ của người đi biển lớn. Chuyện làm hàng gia công có cái hay, cái dở. Vấn đề ở chỗ, nếu phù hợp với thế mạnh và tầm nhìn của doanh nghiệp thì vẫn tốt. Thiết nghĩ, một doanh nghiệp chuyên làm hàng gia công của Việt Nam cũng có thể mơ ước trở thành một doanh nghiệp hàng đầu thế giới về gia công. Tầm nhìn như thế sẽ giúp toàn thể thành viên trong doanh nghiệp tự tin đi trong sân chơi cửa toàn cầu hóa. Điều này rất quan trọng vì tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp phải được sự ủng hộ và chia sẻ của các thành viên. Ông Rajendra Spawar, sáng lập Tập đoàn Công nghệ Thông tin hùng mạnh NIIT của ấn Độ, cho rằng một trong những bí quyết thành công của ông là dám mơ ước lớn, ước mơ lớn này luôn được chia sẻ với từng thành viên trong tập đoàn.



Linh động nghĩa tư duy, hướng phát triển - Đó là nói về tư duy. Thực hiện thành công những tư duy mới, cần có kiến thức và kinh nghiệm phù hợp. Nền kinh tế Việt Nam chỉ mới chập chững bước vào nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta không còn cách nào tốt hơn là gấp rút lĩnh hội tinh hoa của thế giới. Những gương thành công, bài học kinh nghiệm của doanh nhân trong và ngoài nước rất đáng để nghiên cứu, từ đó sáng tạo cho riêng mình. Điều này nghe có vẻ dễ nhưng không phải ai cũng biết vận dụng. Chủ tịch American Airlines từng phát biểu rằng: “Ông luôn nằm lòng kinh nghiệm của người tiền nhiệm, mượn tiền khi bạn có thể chứ không phải lúc bạn cần”! Ai đó có thể không đồng ý với quan điểm này. Nhưng ở một khía cạnh nào đó nó cùng là tư duy kinh doanh đáng suy nghĩ. Quan trọng là ông Chủ tịch của một hãng hàng không lớn đã tự hào xác nhận mình đã lĩnh hội tinh hoa của người khác. Một vấn đề quan trọng nữa mà chúng ta phải đương đầu ở thời kỳ hậu WTO là cuộc chiến tuyển dụng kiểu săn đầu người. Nhiều Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các Tập đoàn đa quốc gia sẽ ồ ạt nhảy vào Việt Nam. Thị trường lao động cấp cao sẽ bị khuấy động dữ dội. Trong bối cảnh đó, Công ty Việt Nam phải làm gì để chiêu mộ và giữ nhân tài khi luôn “lép vế” so với đối thủ ngoại về lương bổng lẫn tính chuyên nghiệp? Theo lý thuyết, câu trả lời là chúng ta phải nâng bảng lương và tính chuyên nghiệp ngang với đối thủ cạnh tranh. Trên thực tế, làm được điều này không phải là điều đơn giản. Xây dựng thương hiệu mạnh của Việt Nam cùng là một trong những giải pháp. Chi phí cho việc này không tốn kém như nhiều người tưởng. Theo điều tra gần đây của M.Booth and Associates (Mỹ), 90% trong 100 Giám đốc thương hiệu của các Công ty hàng đầu ở Mỹ cho rằng, họ không nhất thiết sử dụng quảng cáo để xây dựng thương hiệu. PR (Public Relation) mới là công cụ chủ lực và gần như miễn phí. Có nhiều cách khác để xây dựng thương hiệu nhưng không quá tốn kém. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt có một lợi thế lớn mà các đồng nghiệp nước ngoài không có đó là khả năng thấu hiểu người tiêu dùng cùng dòng máu. Vấn đề ở chỗ, lãnh đạo doanh nghiệp phải cam kết và quyết tâm đi theo hướng xây dựng thương hiệu, cho dù là thương hiệu gia công. Vì cuối cùng, thương hiệu vẫn là tài sản đắt giá nhất của một doanh nghiệp. 



Theo: www.vnpt.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét